Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Hồi giáo Iran xin giới thiệu một số nội dung về thực phẩm Halal dưới đây mong được bạn đọc, nhất là các nhà doanh nghiệp đang sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm tham khảo.
Nhờ ưu điểm đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm mà nhu cầu tiêu thụ thực phẩm Halal trên thế giới ngày một tăng, không chỉ trong giới đạo hồi mà cả những người không theo đạo hồi. Thương mại toàn cầu về thực phẩm Halal hiện nay dự tính là 80 tỷ USD, chiếm khoảng 12% toàn bộ thương mại nông sản, thực phẩm toàn cầu.
Theo nghiên cứu mới đây của Trường Đại Học Bách khoa Puerto Rico, USA dân số đạo hồi năm 2010 là 1,65 tỷ người, chiếm 24% và dự kiến đến năm 2020 sẽ chiến 25% dân số thế giới. Việc tăng dân số và tăng thu nhập của người tiêu dùng thực phẩm Halal cũng đã và đang làm cho thương mại thực phẩm Halal tăng trưởng nhanh chóng.
Vì vậy, việc quan tâm đến giá trị, tầm quan trong của thị trường thực phẩm Halal là rất cần thiết.
Về khái niệm “Halal”?
“Halal” là từ tiếng Arập, có nghĩa là “hợp pháp” hay “được phép” và từ này không chỉ nói đến thực phẩm, đồ uống, mà cả mọi thứ của cuộc sống hàng ngày.
Các sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chế biến, dược phẩm, mỹ phẩm… đảm bảo được các yêu cầu “được chấp nhận” hay “được phép” của Luật hồi giáo đều là halal. Thực tế, các sản phẩm bán trên thị trường mang nhãn halal gồm cả mọi loại nông sản, thực phẩm như nước sốt, nước đóng chai, chè, cà phê, nước hoa quả và cả những sản phẩm không phải thực phẩm như mỹ phẩm, thậm chí cả quần áo và…. một loạt rất, rất nhiều các sản phẩm mang nhãn halal.
Tiêu chuẩn chung:
1. Sản phẩm phải không có bất cứ nguyên liệu nào mà Luật hồi giáo cấm, hay không chấp nhận.
2. Sản phẩm không được tiếp xúc với bất cứ phương tiện, thiết bị nào từ vật liệu mà Luật hồi giáo không cho phép, hay không chấp nhận trong suốt các khâu chuẩn bị, chế biến, vận chuyển và lưu kho.
3. Trong suốt các khâu chuẩn bị, chế biến, vận chuyển, lưu kho sản phẩm đó không được tiếp xúc với bất cứ thực phẩm bổ dưỡng nào từ nguyên liệu mà Luật hồi giáo không chấp nhận.

Lưu ý:
– Thực phẩm Halal không được phép sản xuất, vận chuyển, lưu kho trong một nhà máy, hay giây chuyền sản xuất mà cùng sản xuất, vận chuyển, lưu kho nguyên liệu và thực phẩm Haram (cấm), trừ khi có giám sát viên hồi giáo tham gia vào tất cả quá trình sản xuất và sắp xếp để tránh thực phẩm Halal có bất cứ tiếp xúc nào với thực phẩm Haram.
– Bất cứ dụng cụ và thiết bị nào dùng trong sản xuất, vận chuyển, lưu kho thực phẩm Haram cũng phải rửa sạch, làm khô theo Luật hồi giáo khi dùng cho thực phẩm Halal. Giám sát viên hồi giáo sẽ giám sát tất cả quá trình này.
– Giấy chứng nhận thực phẩm Halal chỉ có giá trị thời hạn nhất định. Hết hạn phải xin cấp lại và tất cả các khâu kiểm tra sẽ được thực hiện lại như trước
– Theo luật hồi giáo, tất cả thực phẩm và nguồn thực phẩm đều là Halal và được phép, ngoại trừ nguồn và nguyên liệu sau:
A- Mọi loại lợn và gấu hoang dã.
B- Mọi loại chó, rắn và khỉ.
C- Mọi loại động vật ăn thịt có móng vuốt và răng trước như: sư tử, hổ, gấu và các loài khác tương tự.
D- Chim săn mồi như: đại bàng, kền kền và các loài chim khác tương tự.
E- Các loại động vật gây hại như: chuột, động vật nhiều châm, bò cạp và các loài khác tương tự.
F- Các loài động vật mà theo luật hồi giáo không được giết như: kiến, ong và chim gõ kiến.
G- Các loài động vật mà bản chất con người nói chung là ghét hay ngại tiếp xúc như: chấy, ruồi và các loài khác tương tự.
H- Các loài động vật vừa sống trên cạn vừa sống dưới nước (lưỡng cư) như: ếch, cá sấu, và các loài khác tương tự.
I- Bất cứ loại động vật biển nào không có vẫy (loại gây hại và có chất độc).
J- Bất cứ loại động vật nào không được giết thịt theo đúng luật đạo hồi.
K- Tiết hay thực phẩm có lẫn tiết.
L- Bất cứ động vật nào sống ở biển và không được săn, bắt đúng luật đạo hồi (không bắt sống từ dưới nước, hay chết do săn bắn).
M- Tất cả các loại thực phẩm hữu cơ và rau đều được phép, trừ những loại liên quan đến các sắc lệnh có tính luật học tôn giáo vì có lẫn các thành phần gây hại, rượu, hay gây say.
N- Về đồ uống, các loại đồ uống có rượu và bất cứ loại đồ uống gây hại và gây say nào cũng không được chấp nhận và là thực phẩm Haram.
O- Về phụ gia thực phẩm, tất cả các loại phụ gia thực phẩm làm từ các chất Haram coi như không được chấp nhận.
Những điều kiện cần thiết, hay nghĩa vụ đối với thực phẩm Halal:
1- Biểu tượng Halal của Cơ quan chứng nhận thực phẩm Halal, hay biểu tượng tương tự phải có trên nhãn hàng.
2- Chứng nhận thực phẩm Halal phải còn hiệu lực.
Thương vụ Việt Nam tại Iran
Nguồn: http://vietnamexport.com/
Bài viết liên quan: